Con bạn có bị hẹp bao quy đầu không ? Tìm hiểu ngay cách nhận biết và xử trí.

Theo nghiên cứu có đến 90-95% các bé trai bị hẹp bao quy đầu sinh lý khi mới đẻ. Tỷ lệ này giảm dần theo tuổi và đến tuổi dậy thì tỷ lệ này chỉ còn khoảng 10%. Tuy nhiên nếu không được thường xuyên vệ sinh sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm và có khả năng gây ung thư.

1. Hẹp bao quy đầu là gì ?

Là tình trạng bao quy đầu phủ trên dương vật bị “dính”, thắt chặt, không thể kéo tuột xuống được. Khoảng 96% trẻ sơ sinh nam khi sinh ra bị hẹp bao quy đầu.

Có 2 dạng: hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bao quy đầu bệnh lý.

  • Hẹp bao quy đầu sinh lý: chiếm hầu hết các trường hợp, là do sự phát triển bình thường của các kết dính bẩm sinh giữa bao quy đầu và quy đầu.  Là hiện tượng xuất hiện bẩm sinh, có thể nhìn thấy được ngay từ khi bé trai mới sinh ra. Hiện tượng bao quy đầu dính với quy đầu một cách tự nhiên nhằm tác dụng bảo vệ phần quy đầu và lỗ tiểu khi trẻ mới sinh ra.
  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý: ít gặp hơn (<16%), bao quy đầu bị dính sau khi bị viêm nhiễm, gây sẹo xơ. Những sẹo này hình thành do viêm nhiễm nhiều lần ở phần quy đầu, thường gặp hơn cả là trong những trường hợp bị dài bao quy đầu. Nếu hẹp bao quy đầu ở trẻ rơi vào trường hợp bệnh lý thì buộc phải tiến hành điều trị.

2. Làm thế nào để biết có phải hẹp bao quy đầu hay không ?

Phương pháp 1: Hỏi bác sĩ.

Khi đưa con đi khám sức khỏe, nếu là bé trai có thể nhờ bác sĩ kiểm tra giúp. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa con đi khám sức khỏe và không phải bác sĩ nào cũng có thể chẩn đoán trúng trừ bác sĩ chuyên khoa.

Phương pháp 2 : Những bé trai có bao quy đầu hẹp thường có những triệu chứng. Theo dõi và phát hiện khi thấy có dấu hiệu sau:

  • Phần da ở quy đầu không thể kéo tụt xuống được hoặc chỉ để hở một lỗ tiểu nhỏ.
  • Nước tiểu khó có thể chảy hết ra ngoài nên dương vật bị sưng phồng lên sau đó mới có thể chảy hết ra ngoài được.
  • Trẻ đi tiểu phải rặn hoặc dùng sức.
  • Lượng nước tiểu mỗi lần đi tiểu ít, tia nước tiểu bắn ra yếu và không bắn ra theo đường thẳng (thường bị tạt sang ngang).
  • Khi lộn bao quy đầu ra thường thấy những mảng trắng ở phần quy đầu.

3. Chăm sóc thế nào ?

Theo thời gian, bao quy đầu sẽ tự tuột ra khi trẻ khoảng 1 tuổi, hầu hết sẽ bình thường khi trẻ 4 tuổi, một số ít muộn hơn đến khi trẻ dậy thì. Cha mẹ và người chăm sóc cần biết cách vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, để ngăn ngừa viêm nhiễm gây ra bệnh lý.

  • Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: chú ý thay tã thường xuyên, tránh bị hăm tã và gây kích ứng da. Rửa bộ phận sinh dục khi tắm mỗi ngày.
  • Không nên cố gắng tuột mạnh bao quy đầu của trẻ vì nguy cơ rách, chảy máu, sẽ gây xơ hóa sau này dẫn đến hẹp bao quy đầu bệnh lý.
  • Cha mẹ chỉ cần kéo nhẹ nhàng bao quy đầu của trẻ xuống, khi bao quy đầu trẻ đã tuột được (một phần hoặc hoàn toàn), ba mẹ có thể rửa và lau khô.
  • Sau đó, ba mẹ nhớ kéo bao quy đầu trở lại bình thường phủ lên đầu dương vật, nếu không sẽ gây nghẹt bao quy đầu. Nghẹt bao quy đầu: là tình trạng bao quy đầu không thể kéo lên về bình thường để che phủ quy đầu, bị nghẹt và phù nề, sưng đỏ, nguy cơ hoại tử. Nếu bị nghẹt bao quy đầu, cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay.
  • Khi trẻ lớn hơn, hướng dẫn trẻ cách tự làm vệ sinh “bạn nhỏ”.

Những mảng trắng dưới da bao quy đầu là gì?

Giữa bao quy đầu và quy đầu có một lớp dịch ẩm (gọi là smegma) giúp “bóc tách” tự nhiên để bao quy đầu có thể tuột lên được.

Trong lớp dịch này có các tế bào biểu mô của bao quy đầu tróc ra và tích tụ hình thành những “mảng trắng”. Những mảng này dễ dàng được rửa sạch khi tuột bao quy đầu xuống.

Tuy nhiên, nếu những mảng trắng không được làm sạch có thể sẽ gây viêm quy đầu khiến cho trẻ thấy ngứa, khó chịu, sưng đau dương vật.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám hẹp bao quy đầu?

  • Dương vật bị ngứa, đỏ và sưng,
  • Trẻ tiểu khó, phải rặn,
  • Đầu dương vật trẻ bị chảy mủ hoặc dịch bất thường,
  • Bao quy đầu bị phồng lên khi trẻ đi tiểu,
  • Trẻ bị sốt kéo dài không tìm ra nguyên nhân gây sốt thông thường.

4. Những biến chứng có thể xảy ra

Khi hẹp bao quy đầu lâu ngày dẫn đến trẻ bị viêm nhiễm tại dương vật làm cho :

  • Gây cho trẻ sự đau đớn, quấy khóc khi đã bị viêm nhiễm.
  • Nguy cơ mắc bệnh viêm bao quy đầu. Nguyên nhân là do khi bao quy đầu hẹp, nước tiểu và bựa sinh dục sẽ dễ tích tụ lại, lâu ngày gây ra hiện tượng viêm nhiễm. Nếu tình trạng này không được xử trí sớm thậm chí còn có thể gây viêm đường tiết niệu, ảnh hưởng tới thận, ung thư hoặc hoại tử dương vật.
  • Cản trở sự cương cứng: Điều này thường xảy ra khi trẻ lớn lên, ở độ tuổi trưởng thành. Bao quy đầu hẹp sẽ gây ra hiện tượng đau hoặc sưng khi cương cứng, cản trở quá trình quan hệ tình dục.

Do đó, ngay khi thấy con em mình có hiện tượng bao quy đầu hẹp, các bậc cha mẹ cần nhanh chóng tới bệnh viện để tiến hành thăm khám, từ đó có hướng xử trí phù hợp.

5. Nên hay không nên cắt bao quy đầu ?

Như đã nói ở trên, hầu hết khi mới sinh ra đến hơn 90% các bé trai là hẹp bao quy đầu sinh lý khi mới sinh, tuy nhiên tỷ lệ này giảm dần so với độ tuổi. hầu hết sẽ bình thường khi trẻ 4 tuổi, một số ít muộn hơn đến khi trẻ dậy thì. Ở Israel, người đàn ông phải cắt bao quy đầu mới thực sự được công nhận là thành viên trong cộng đồng dân tộc. Tám ngày sau khi trẻ sơ sinh chào đời, nghi thức này được thực hiện.

Các bác sĩ ở Anh và Châu Âu nói chung cho rằng cắt bao quy đầu tiềm ẩn chứa nhiều rủi ro. Các biến chứng bao gồm chảy máu, nhiễm trùng sau phẫu thuật. Đây là phần nhạy cảm nhất của Dương vật nên về lâu dài trẻ cũng có những ảnh hưởng nhất định.

Tuy nhiên ở Hoa kỳ việc cắt bao quy đầu khá phổ biến, các bác sĩ cho rằng cắt bao quy đầu sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, những em bé đã cắt bao quy đầu khi bị nhiễm trùng tiểu cũng nhẹ và dễ điều trị mà không để lại ảnh hưởng lâu dài.

  • Ở Việt Nam các ý kiến chuyên gia cho rằng cắt bao quy đầu có thể được chỉ định khi:
  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý,
  • Viêm da quy đầu nặng hoặc tái phát, thất bại với điều trị thuốc bôi tại chỗ,
  • Nghẹt bao quy đầu, không thể tuột lên về bình thường,
  • Nhiễm trùng tiểu tái phát do hẹp bao quy đầu.

Chính vì vậy, Cha mẹ nên thường xuyên vệ sinh để hạn chế được tối đa tình trạng viêm nhiễm.

V.Medical Channel tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *