Tìm hiểu về Ung thư Tuyến Giáp

Khi nghe tới ung thư thì hầu hết mọi người đều rất lo lắng về tình trạng bệnh lý của mình. Ung thư tuyến giáp rất hay gặp so với các loại ung thư khác và hay gặp ở nữ nhiều hơn nam giới. Theo nghiên cứu thì ung thư phát triển khá chậm, tiên lượng tốt và bệnh có tỷ lệ chữa khỏi cao hơn nếu được phát hiện sớm. Vậy hãy cùng V.Medical tìm hiểu các thông tin về bệnh này nhé

1. Tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm ở trước cổ, ngay dưới quả táo Adam (trái khế) của bạn. Tuyến giáp có hình dạng hai thùy giống một con bướm. Bình thường bạn không tự cảm thấy tuyến giáp ở cổ.
Tuyến giáp chứa các tế bào được gọi là các tế bào nang (follicular cells). Chúng sản xuất hai loại nội tiết tố (hormone) chính, đó là thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3), có tác dụng tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể. Các hormone này ảnh hưởng đến nhịp tim, nhiệt độ cơ thể và mức độ chuyển hóa năng lượng.

Tuyến giáp cũng chứa các tế bào cận nang hay còn gọi là tế bào C chuyên sản xuất calcitonin, một loại hormone giúp kiểm soát nồng độ canxi trong máu.

2. Ung thư tuyến giáp là gì?

Ung thư tuyến giáp là tình trạng tăng sinh bất thường các tế bào tuyến giáp. Đây là bệnh lý ác tính thường gặp nhất trong số các ung thư tuyến nội tiết.

Bệnh có tiên lượng tốt và có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Khi tuyến giáp xuất hiện khối u sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, khiến người bệnh đau, khó nuốt, khó thở và ho nhiều… Vì thế ngay khi được chẩn đoán ung thư, người bệnh cần điều trị càng sớm càng tốt.

Có bốn loại ung thư tuyến giáp chính (Thyroid cancer):

  • Dạng nhú. Đây là loại thường gặp nhất.
  • Dạng nang. Đây là một loại ung thư ít gặp hơn, thường gặp ở người già. Cả hai loại ung thư tuyến giáp dạng nhú và dạng nang đôi khi được gọi là ung thư tuyến giáp biệt hóa. Chúng thường được điều trị theo cùng một cách.
  • Dạng tủy. Đây là một loại ung thư hiếm gặp, có thể di truyền trong gia đình. Vì lý do này, các thành viên trong gia đình có thể cần kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm. Loại ung thư này phát triển từ các tế bào C trong tuyến giáp.
  • Dạng không biệt hóa. Đây cũng là loại hiếm gặp. Nó thường gặp hơn ở người lớn tuổi và phát triển một cách nhanh chóng. Không giống như các loại ung thư tuyến giáp khác, loại này có thể khó điều trị.

Ung thư tuyến giáp dạng nhú và dạng nang chiếm khoảng 80-90% tất cả các bệnh ung thư. Cả hai loại này đều phát triển từ các tế bào nang của tuyến giáp. Hầu hết các bệnh dạng nhú và dạng nang có xu hướng phát triển chậm. Nếu được phát hiện sớm, hầu hết có thể được điều trị thành công.

3. Nguyên nhân gây ung thư?

Khối ung thư bắt đầu từ một tế bào bất thường mà nguyên nhân gây nên hiện tượng này hiện vẫn chưa được biết rõ ràng. Người ta cho rằng một số tác nhân gây tổn thương hoặc thay đổi gene làm cho tế bào phân chia một cách mất kiểm soát.

Ở Anh có khoảng 1.750 người mắc bệnh mỗi năm. Phụ nữ thường bị bệnh này hơn nam giới. Mặc dù hầu hết những người mắc bệnh là trung niên trở lên, bệnh có thể gặp ở phụ nữ trẻ hơn, thường gặp nhất trong độ tuổi từ 35 và 40.

Nhiều người mắc bệnh không có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ sau đây có thể làm ung thư phát triển.

  • Bệnh tuyến giáp. Những người có một số bệnh tuyến giáp lành tính có nhiều khả năng hình thành ung thư tuyến giáp. Ví dụ, bệnh bướu cổ (phì đại tuyến giáp – goitre), nhân giáp (u tuyến, adenoma), hay viêm tuyến giáp (thyroiditis).

Lưu ý: Suy giáp hoặc cường giáp không làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.

  • Có nhiễm xạ. Ung thư tuyến giáp thường gặp ở những người bị phơi nhiễm phóng xạ hoặc được xạ trị ở vùng cổ khi còn trẻ.
  • Tiền sử gia đình. Ung thư tuyến giáp dạng tủy có thể được gây ra bởi gene di truyền bất thường. Khoảng một trong bốn người bị ung thư tuyến giáp thể tủy có gene bất thường.
  • Mức iodine (i-ốt) trong máu thấp.

4. Các triệu chứng là gì?

Ung thư tuyến giáp thường phát triển chậm và lúc đầu không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Dấu hiệu thường gặp nhất đầu tiên là một khối u nhỏ ở cổ không gây đau đớn. Các triệu chứng khác có thể có khi bệnh phát triển bao gồm:

  • Khàn giọng hoặc nói bằng giọng bình thường khó khăn.
  • Hạch lớn ở cổ.
  • Khó nuốt hoặc khó thở vì ung thư chèn ép lên thực quản hoặc khí quản.
  • Đau ở cổ họng hoặc vùng cổ.

Lưu ý: Hầu hết các khối u trong tuyến giáp không phải do ung thư. Chỉ có khoảng 1/20 khối u tuyến giáp là do ung thư.

5. Làm thế nào để biết ung thư ?

Chỉ khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán thì mới biết được, sau đây là các xét nghiệm

  • Siêu âm có thể được thực hiện đầu tiên. Siêu âm có thể gợi ý và đánh giá được kích thước cũng như vị trí của tổn thương ung thư. Siêu âm là một khảo sát an toàn và không gây đau đớn nhờ sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của các cơ quan và các cấu trúc bên trong cơ thể của bạn.
  • Sinh thiết (lấy mẫu mô nhỏ làm xét nghiệm) thường được thực hiện để chẩn đoán xác định ung thư và loại ung thư. Để làm sinh thiết, một cây kim nhỏ được đâm xuyên qua da một cách nhẹ nhàng vào tổn thương tuyến giáp ở cổ. Đôi khi bác sĩ sẽ sử dụng siêu âm để hướng dẫn kim vào đúng vị trí cần sinh thiết. Các tế bào thu được bằng kim sẽ được khảo sát dưới kính hiển vi. Những loại ung thư khác nhau sẽ được chẩn đoán dựa vào hình dáng và đặc tính của các tế bào thu được
  • Một khảo sát khác đôi khi được thực hiện là xạ hình tuyến giáp. Khi thực hiện khảo sát này, người ta tiêm một lượng nhỏ một chất phóng xạ (technetium hoặc iodine). Sau đó đưa bạn vào một máy quét phát hiện phóng xạ ở tuyến giáp. Tế bào ung thư thường không hấp thụ chất phóng xạ như các tế bào tuyến giáp bình thường. Vì vậy, tổn thương ung thư trong tuyến giáp có thể được thấy bằng cách xạ hình tuyến giáp.

6. Điều trị như thế nào?

Có thể xem xét những lựa chọn điều trị ung thư trong tuyến giáp bao gồm phẫu thuật, điều trị iodine phóng xạ và xạ trị. Có thể điều trị kết hợp các phương pháp trên. Hầu hết các loại ung thư tuyến giáp thường có thể được điều trị thành công và nhiều người bị ung thư tuyến giáp được chữa khỏi.

Phẫu thuật : Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối ung thư (hoặc đôi khi một phần) là phương pháp điều trị thường gặp nhất. Đôi khi các bác sĩ phẫu thuật cũng cắt bỏ một số hoặc tất cả các hạch cổ gần tuyến giáp, để xem liệu ung thư đã di căn vào chúng hay chưa. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát sau khi phẫu thuật.
Nếu ung thư ở giai đoạn sớm và không di căn, bạn có thể chữa khỏi bệnh chỉ bằng phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật, rất có thể bạn sẽ cần phải dùng nội tiết tố tuyến giáp thay thế.

Điều trị iodine phóng xạ: Nhiều người được điều trị iodine phóng xạ sau khi phẫu thuật tuyến giáp. Điều trị iodine phóng xạ sử dụng iodine phóng xạ (I-131) để tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến giáp bất cứ nơi nào trong cơ thể. Iodine phóng xạ có thể ở dưới dạng chất lỏng hoặc viên nang. Các tế bào ung thư hấp thụ iodine sẽ nhận được liều phóng xạ rất cao và bị tiêu diệt. Các tế bào khác trong cơ thể không hấp thụ iodine, chúng không bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ iodine. Hầu hết các bức xạ sẽ được thải ra khỏi cơ thể trong một vài ngày.
Nếu bạn bị ung thư tuyến giáp thể tủy hoặc ung thư tuyến giáp không biệt hóa, bạn sẽ không được điều trị iodine phóng xạ, vì các loại ung thư này hiếm khi đáp ứng với iodine phóng xạ.

Xạ trị : Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng chùm tia bức xạ năng lượng cao tập trung vào tế bào ung thư để tiêu diệt hoặc ngăn chặn quá trình nhân lên của tế bào ung thư. Xạ trị có thể được lựa chọn nếu bạn bị ung thư không đáp ứng với điều trị iodine phóng xạ.

Hóa trị: Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng các loại thuốc tiêu diệt hoặc ngăn chặn quá trình nhân lên của tế bào ung thư. Hóa trị rất hiếm khi được sử dụng để điều trị tuyến giáp nhưng có thể được sử dụng nếu ung thư tái phát hoặc đã di căn đến các cơ quan khác.

7. Tiên lượng như thế nào?

Tiên lượng đối với nhiều người mắc bệnh là rất tốt. Những người có ung thư dạng nhú hoặc dạng nang có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
Điều trị ung thư là một lĩnh vực đang phát triển. Nhiều phương pháp điều trị mới tiếp tục được nghiên cứu và phát triển nên các thông tin trên đây là rất chung chung. Các bác sĩ chuyên khoa có thể cung cấp chính xác hơn các thông tin về đặc điểm bệnh lý, điều trị và tiên lượng cụ thể cho trường hợp của bạn.

V.Medical Channel tổng hợp từ patient.info

One thought on “Tìm hiểu về Ung thư Tuyến Giáp

  1. Pingback: Tỉ lệ mổ cắt bỏ hoàn toàn Tuyến giáp tăng cao. Hãy cứu lấy Tuyến giáp!! - VMedical Channel

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *