Cúm A là gì ? Nguyên nhân và triệu chứng, cẩn trọng xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Virus cúm A gây bệnh cúm ở chim và một số động vật có vú và là loài duy nhất thuộc chi Alphainfluenzavirus thuộc họ virut Orthomyxoviridae. Các chủng của tất cả các loại Virus cúm A đã được phân lập từ các loài chim hoang dã, mặc dù dịch bệnh là không phổ biến. Đôi khi, virus được truyền từ chim thủy sản hoang dã sang gia cầm trong nhà và điều này có thể gây ra dịch bệnh hoặc làm phát sinh đại dịch cúm ở người. Cúm A rất dễ lây lan bùng phát thành dịch, tuy nhiên chúng ta thường nhầm lẫn với cúm thông thường. Việc điều trị không kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Đặc biệt là ở trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính…

1. Cúm A là gì?

Cúm là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính đường hô hấp. Virus cúm lây nhiễm ở người có thể được phân thành ba nhóm chính: A, B và C. Nhiễm cúm loại A có thể nghiêm trọng và gây ra đại dịch bệnh trên diện rộng, một số trường hợp nhẹ hơn, cúm có thể tự khỏi mà không có triệu chứng đáng kể, các trường hợp nghiêm trọng của cúm loại A có thể đe dọa đến tính mạng.

Cúm A là một loại cúm mùa có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Trong một số trường hợp, tình trạng nhiễm vi rút cúm A có thể cải thiện mà không cần dùng thuốc theo toa, nhưng bệnh nhân nên đi khám và được bác sĩ tư vấn để chẩn đoán tình trạng bệnh. Cúm A thường có biểu hiện giống với cảm lạnh thông thường, nhưng chúng có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm hơn.

Cúm A thường xuất hiện nhiều hơn trong các dịch bệnh cúm mùa và gây ra các đại dịch vì vi rút cúm A có khả năng thay đổi và phân nhóm nhanh tạo ra các chủng mới từ mùa cúm này sang mùa cúm khác. Việc tiêm phòng cúm trong quá khứ sẽ không ngăn ngừa nhiễm trùng từ một chủng mới. Các loại chim hoang dã là vật chủ tự nhiên của vi rút loại A, nên nó còn được gọi là cúm gia cầm. Vi rút cúm A có thể lây lan trên động vật và con người.

2. Nguyên nhân

Virus cúm A di chuyển trong không khí dưới dạng các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Bạn có thể trực tiếp hít phải các giọt bắn này hoặc tiếp xúc với các đồ vật có virus – chẳng hạn như điện thoại hoặc bàn phím máy tính – rồi chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của mình.

Những người nhiễm virus cúm A có khả năng lây nhiễm từ khoảng một ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện cho đến khoảng năm ngày sau khi chúng bắt đầu. Trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch yếu có thể bị lây nhiễm trong một thời gian dài hơn một chút.

Virus cúm liên tục biến đổi và thường xuyên xuất hiện các biến chủng mới. Nếu bạn đã từng bị sốt cúm A trước đây, cơ thể bạn đã tạo ra các kháng thể để chống lại chủng virus đó. Nếu virus cúm trong tương lai tương tự như virus bạn đã gặp trước đây, thì những kháng thể đó có thể ngăn ngừa bạn bị nhiễm bệnh hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của nó. Tuy nhiên, mức độ kháng thể có thể suy giảm theo thời gian.

Ngoài ra, các kháng thể chống lại virus cúm bạn đã gặp trong quá khứ có thể không bảo vệ bạn khỏi các chủng cúm mới, bởi chúng có thể là những virus rất khác với những virus bạn đã mắc phải trước đây.

3. Triệu chứng

Không giống như cảm lạnh thông thường, các triệu chứng của cúm thường xuất hiện đột ngột. Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm cúm bao gồm:

Ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể.

Đôi khi, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi mà không cần các can thiệp điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, bệnh nhân nên tới khám với bác sĩ để tránh những biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu dễ dẫn tới nguy cơ bị các biến chứng liên quan đến cúm như trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai. Những đối tượng này cần theo dõi triệu chứng và có hướng điều trị kịp thời khi bị nhiễm cúm A, vì trong một vài trường hợp cúm có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân cúm nếu không được điều trị có thể gây ra nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau bụng, đau ngực, hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản và gây ra các vấn đề về tim mạch.

4. Phòng ngừa như thế nào

  • Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh.
  • Tránh tiếp xúc với nguồn nước gần khu nuôi gia súc, gia cầm
  • Ăn chín uống sôi, không ăn thịt ra cầm sống
  • Cách ly gia cầm nếu có dấu hiệu nhiễm bệnh
  • Thường xuyên rửa tay sạch với xà phòng, nhất là sau khi tiếp xúc với gia cầm
  • Đến ngay Bệnh viện nếu có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, đau cơ, đau họng…….
  • Tiêm Vacxin Cúm hàng năm để phòng các chủng cúm A nguy hiểm

5. Chăm sóc người bị cúm A thế nào để phòng ngừa lây lan

Lưu ý chỉ chăm sóc người bị cúm A tại nhà khi có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là cách chăm sóc người bị cúm A để phòng tránh bệnh lây lan cho người thân.

  • Cách ly người bệnh

– Người bị cúm A nên nghỉ ngơi và sinh hoạt trong phòng riêng tối thiểu là 7 ngày, tính từ ngày xuất hiện các triệu chứng của bệnh cho đến 24 giờ sau khi các triệu chứng của bệnh không còn.

– Mọi sinh hoạt của người bệnh, kể cả ăn uống và đi tắm, đi vệ sinh cũng nên thực hiện trong phòng cách ly. Phòng này cần được bố trí thông thoáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Trường hợp phòng không có nhà tắm, nhà vệ sinh thì khi ra ngoài để vệ sinh cá nhân, người bệnh phải đeo khẩu trang che kín miệng, mũi và rửa tay sạch sẽ sau mỗi lần đi vệ sinh.

– Người bệnh không hoặc hạn chế ra ngoài. Nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang và hạn chế cầm, nắm, chạm vào những nơi hay những vật dụng mà người thân trong gia đình hay sử dụng để tránh lây lan bệnh.

– Người bệnh tuyệt đối không đứng gần hay tiếp xúc nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh cao như người già, trẻ em, người ốm yếu, có sức đề kháng kém,…

– Người bệnh nên ăn thức ăn mềm, loãng, dễ tiêu, đồng thời, uống nhiều nước và tăng cường bổ sung trái cây. Chỉ uống thuốc theo đơn của bác sĩ điều trị. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, nhất là những loại thuốc kháng virus.

  • Xử lý đồ dùng của người bệnh

– Phòng người bệnh luôn được dọn dẹp, vệ sinh mỗi ngày, nhất là giường ngủ và nhà vệ sinh.

– Vật dụng trong phòng người bệnh được lau chùi bằng hóa chất thường xuyên. Đối với trẻ em, đồ chơi của bé phải được rửa liên tục.

– Đồ dùng của người bệnh như chăn mền, gối nệm, quần áo, khăn lau,… được thay hàng ngày và giặt sạch, phơi khô liền sau mỗi lần thay.

– Tuyệt đối không tái sử dụng khẩu trang, khăn giấy,… của người bệnh. Chỉ sử dụng một lần rồi cho vào túi nilon, buộc lại và bỏ vào thùng rác. Đổ rác mỗi ngày, không để rác tồn đọng ngày này qua ngày khác.

– Dụng cụ ăn uống của người bệnh phải được rửa và khử trùng bằng nước sôi sau mỗi lần sử dụng.

  • Phòng tránh lây bệnh cho người thân trong gia đình

Vì cúm A rất dễ lây lan (qua tiếp xúc gần) nên cần hiểu rõ cách chăm sóc người bị cúm A sao cho an toàn, phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh:

– Khi tiếp xúc với người bệnh, mọi người phải đeo khẩu trang. Nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh cao như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai nên hạn chế hoặc tốt nhất là không tiếp xúc với người bệnh cho đến khi người bệnh khỏi hẳn.

– Rửa tay với xà phòng và nước sạch sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh hoặc chạm vào vật dụng cá nhân của người bệnh (mùng, mền, chiếu, gối, nệm, quần áo, khăn lau, chén dĩa,…).

– Tuyệt đối không dùng chung đồ với người bệnh. Mỗi người trong nhà nên sử dụng khăn lau, khăn tắm riêng.

– Nếu nhà sử dụng phòng tắm, phòng vệ sinh chung thì phải dọn dẹp, chùi rửa liên tục. Những khu vực sinh hoạt chung khác như phòng khách, bếp, phòng ăn phải được mở cửa để thông thoáng.

– Mỗi người trong gia đình cần đo thân nhiệt và theo dõi cơ thể để tự phát hiện những bất thường và nhanh chóng điều trị để tránh nguy hiểm cho bản thân thân lẫn gia đình.

V.Medical Channel tổng hợp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *