Tình trạng suy giảm trí nhớ làm xáo trộn cuộc sống thường ngày không phải là một giai đoạn điển hình của quá trình lão hóa. Nó có thể là dấu hiệu của bệnh Alzheimer’s, một bệnh lý về não có thể dẫn đến tử vong, gây ra sự suy giảm từ từ về trí nhớ, suy nghĩ và kĩ năng suy luận. Mỗi người bệnh có thể trải qua một hoặc nhiều biểu hiện ở các mức độ khác nhau.
Xem thêm bài viết : Bệnh Alzheimer’s và các thông tin chi tiết cần biết (Phần 1)
Mục lục bài viết
- 1. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh Alzheimer’s
- 1.1 Tình trạng suy giảm trí nhớ làm xáo trộn cuộc sống thường ngày
- 1.2 Gặp khó khăn khi lập kế hoạch hay giải quyết vấn đề
- 1.3 Gặp khó khăn khi hoàn thành các công việc quen thuộc ở nhà, tại nơi làm việc hay khi vui chơi
- 1.4 Lú lẫn về thời gian hoặc nơi chốn
- 1.5 Gặp khó khăn trong việc hiểu các hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian
- 1.6 Phát sinh những khó khăn mới về từ ngữ khi nói hoặc viết
- 1.7 Đặt đồ vật nhầm chỗ và mất khả năng hồi tưởng lại các bước
- 1.8 Giảm khả năng phán đoán hay đánh giá kém
- 1.9 Rút lui khỏi công việc hay các hoạt động xã hội
- 1.10 Tâm trạng và tính cách thay đổi
- 2. Hành vi của người bệnh Alzheimer’s
- 3. Chăm sóc người bệnh Alzheimer’s như thế nào ?
1. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh Alzheimer’s
1.1 Tình trạng suy giảm trí nhớ làm xáo trộn cuộc sống thường ngày
Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh Alzheimer’s là suy giảm trí nhớ, đặc biệt là quên đi các thông tin vừa mới tìm hiểu. Các vấn đề khác bao gồm quên các ngày tháng hay sự kiện quan trọng; hỏi đi hỏi lại cùng một thông tin; phụ thuộc vào các công cụ hỗ trợ trí nhớ (như thiết bị điện tử hoặc giấy ghi chú) hoặc các thành viên gia đình trong những việc mà họ thường có thể tự giải quyết.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Đôi khi quên tên hoặc cuộc hẹn, nhưng một lúc sau sẽ nhớ lại được.
1.2 Gặp khó khăn khi lập kế hoạch hay giải quyết vấn đề
Một vài người có thể biểu hiện những thay đổi về khả năng lập kế hoạch và làm theo kế hoạch hoặc khi làm việc với số liệu. Họ cũng có thể gặp rắc rối trong việc nấu những món quen thuộc hoặc theo dõi hoác đơn hàng tháng. Họ gặp khó khăn trong việc tập trung và tốn nhiều thời gian hơn để thực hiện các công việc họ đã làm trước đây.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Thỉnh thoảng phạm một số lỗi khi quyết toán chi phiếu.
1.3 Gặp khó khăn khi hoàn thành các công việc quen thuộc ở nhà, tại nơi làm việc hay khi vui chơi
Người bệnh Alzheimer’s thường gặp khó khăn khi hoàn thành các công việc thường ngày. Đôi khi, họ cũng gặp rắc rối khi lái xe đến một địa điểm quen thuộc, quản lý ngân sách ở công ty hay ghi nhớ luật lệ của trò chơi yêu thích.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Thỉnh thoảng cần giúp đỡ để thiết lập các chế độ của lò vi sóng hay thu lại chương trình TV.
1.4 Lú lẫn về thời gian hoặc nơi chốn
Người bệnh Alzheimer’s có thể không nhớ được ngày tháng, các mùa trong năm và mốc thời gian. Họ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu một điều gì đó khi điều đó không xảy ra ngay lập tức. Đôi khi, họ quên mất mình đang ở đâu hay làm sao họ đến được nơi đó.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Cảm thấy mơ hồ về các ngày trong tuần nhưng sẽ nhớ ra sau đó.
1.5 Gặp khó khăn trong việc hiểu các hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian
Với vài người, gặp vấn đề về thị giác chính là dấu hiệu của bệnh Alzheimer’s. Họ gặp khó khăn khi đọc, phán đoán khoảng cách, xác định màu sắc hay sự tương phản, điều này có thể gây ra sự cố khi lái xe.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Sự thay đổi về thị giác liên quan đến bệnh đục thuỷ tinh thể (cườm mắt).
1.6 Phát sinh những khó khăn mới về từ ngữ khi nói hoặc viết
Người bệnh Alzheimer’s có thể gặp vấn đề khi theo dõi hay tham gia trò chuyện. Họ có thể dừng lại giữa cuộc nói chuyện và không biết cách nào để tiếp tục hoặc cứ lặp đi lặp lại. Họ vật lộn với từ vựng, gặp khó khăn trong việc tìm đúng từ hay gọi sai tên vật dụng (như gọi “đồng hồ treo tường” là “đồng hồ đeo tay”).
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Đôi khi gặp khó khăn trong việc tìm đúng từ.
1.7 Đặt đồ vật nhầm chỗ và mất khả năng hồi tưởng lại các bước
Người bệnh Alzheimer’s có thể đặt đồ vật ở những nơi không quen thuộc. Họ có thể làm mất đồ vật và không thể nhớ các bước để tìm lại chúng. Đôi khi, họ buộc tội người khác ăn cắp. Theo thời gian, triệu chứng này có thể xảy ra thường xuyên hơn.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Thỉnh thoảng đặt đồ vật nhầm chỗ nhưng sau đó có thể truy lại được
1.8 Giảm khả năng phán đoán hay đánh giá kém
Người bệnh Alzheimer’s có thể gặp những thay đổi trong việc phán đoán và ra quyết định. Ví dụ, họ có thể đánh giá kém khi giải quyết vấn đề liên quan đến tiền, như trao khoản tiền lớn cho người tiếp thị qua điện thoại. Họ cũng ít chú ý đến việc ăn mặc chỉnh tề hay giữ cho mình sạch sẽ.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Đôi khi đưa ra quyết định tồi.
1.9 Rút lui khỏi công việc hay các hoạt động xã hội
Người bệnh Alzheimer’s có thể bắt đầu tự rút lui khỏi các sở thích, hoạt động xã hội, dự án công việc hay các môn thể thao. Họ không theo dõi kịp đội thể thao yêu thích hoặc không nhớ được cách thực hiện một sở thích. Họ cũng tránh tham gia hoạt động xã hội do những thay đổi mà họ gặp phải. Họ cũng tránh tham gia hoạt động xã hội do những thay đổi họ gặp phải.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Đôi khi cảm thấy chán nản với công việc, gia đình hay các nghĩa vụ xã hội
1.10 Tâm trạng và tính cách thay đổi
Tâm trạng và tính cách của người bệnh Alzheimer’s có thể thay đổi. Họ trở nên bối rối, đa nghi, chán nản, sợ hãi hay lo lắng. Họ có thể dễ dàng bực tức khi ở nhà, tại nơi làm việc, với bạn bè hay ở những nơi mà họ không cảm thấy thoải mái.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Tạo dựng cách thức riêng biệt để thực hiện công việc và trở nên cáu kỉnh khi thói quen bị cản trở.
2. Hành vi của người bệnh Alzheimer’s
Bệnh Alzheimer’s gây ra sự biến đổi trong não bộ dẫn đến những thay đổi trong hành vi của người bệnh. Một số người bệnh Alzheimer’s trở nên bối rối hoặc lo âu. Những người khác hiểu sai về điều họ thấy hay nghe được. Điều quan trọng là phải hiểu rằng người bệnh không chủ tâm hành động theo cách đó và cũng không cố ý làm phiền bạn.
Những hành vi đầy thách thức này có thể gây trở ngại cho cuộc sống thường ngày, khó ngủ và dẫn đến tâm trạng thất vọng cũng như căng thẳng. Bí quyết đối phó với các hành vi này là:
- Xác định các yếu tố khởi phát
- Kiên nhẫn và phản ứng một cách bình tĩnh và tích cực
- Tìm cách ngăn chặn các hành vi này ngay từ ban đầu.
Các hành vi chủ yếu như :
2.1 Gây hấn
Hành vi gây hấn thể hiện bằng lời nói (la hét, gọi tên) hay hành động (đánh, xô đẩy). Hành vi này xảy ra đột ngột, không có lý do rõ ràng hoặc có thể là kết quả từ sự nóng giận. Dù là trường hợp nào, điều quan trọng là phải cố gắng tìm hiểu nguyên nhân làm cho người bệnh trở nên tức giận hay khó chịu. Yếu tố khởi phát hành động gân hấn có thể là do tình trạng sức khỏe, môi trường ồn ào hay cơn đau.
2.2 Đi lang thang
Việc người bệnh suy giảm trí nhớ đi lang thang và bị lạc rất phổ biến. Họ thường có ý định hoặc mục tiêu trong đầu, ví dụ như đi tìm một vật bị mất, cố làm tiếp công việc mà trước đó họ đã làm xong hay muốn “về nhà” ngay cả khi họ đang ở nhà. Tuy nhiên, việc đi lang thang có thể gây nguy hiểm, dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng hay tử vong. Giữ cho người thân của bạn an toàn.
2.3 Bối rối hay lo âu
Người bệnh cảm thấy bối rối, lo âu, trở nên bồn chồn và muốn đi tới đi lui hoặc đi lòng vòng. Người bệnh có thể bực bội ở những nơi nhất định hay tập trung vào tiểu tiết. Họ cũng có thể bám sát một người chăm sóc nhất định để thu hút sự chú ý và hướng dẫn của họ.
2.4 Lú lẫn
Người bệnh không nhận ra người, địa điểm hay đồ vật quen thuộc. Họ có thể quên các mối quan hệ, gọi thành viên trong gia đình bằng tên khác hay nhầm lẫn về vị trí căn nhà. Họ cũng có thể quên mục đích sử dụng của những đồ vật quen thuộc như bút hay nĩa.
2.5 Ảo giác
Khi người bệnh Alzheimer’s bị ảo giác, họ thấy, nghe, ngửi, nếm hay cảm thấy một điều gì đó không có thực. Người bệnh có thể thấy gương mặt người bạn cũ ở tấm màn cửa hay nghe thấy mọi người nói chuyện. Nếu ảo giác không gây ra vấn đề gì, bạn có thể bỏ qua nó. Tuy nhiên, nếu ảo giác xảy ra thường xuyên, hãy gặp bác sĩ để xác định có phải nguyên nhân là do các vấn đề cơ bản về thể chất hay không.
2.6 Lặp đi lặp lại
Người bệnh Alzheimer’s có thể nói hay làm một việc hết lần này đến lần khác như lặp đi lặp lại một từ, một câu hỏi hay một hành động. Trong phần lớn trường hợp, họ có thể đang tìm kiếm cảm giác thoải mái, an toàn hay quen thuộc. Họ cũng có thể đi tới đi lui hay làm lại những việc vừa mới hoàn thành. Hành vi này hiếm khi gây hại cho người bệnh nhưng có thể khiến người chăm sóc cảm thấy căng thẳng.
2.7 Hội chứng mặt trời lặn và khó ngủ
Người bệnh có thể trải qua các thời điểm mà họ lú lẫn, lo âu và kích động hơn bình thường, bắt đầu từ lúc mặt trời lặn và kéo dài suốt đêm. Đây gọi là hội chứng mặt trời lặn. Các chuyên gia chưa biết rõ nguyên nhân gây ra hội chứng này, nhưng có nhiều yếu tố có thể góp phần gây ra hành vi này, như kiệt sức vào cuối ngày hoặc giảm nhu cầu ngủ, vốn rất phổ biến ở người cao tuổi.
2.8 Đa nghi
Việc suy giảm trí nhớ và lú lẫn có thể làm cho người bệnh Alzheimer’s nhận thức sự việc theo những cách mới khác thường. Người bệnh nghi ngờ mọi người xung quanh, thậm chí buộc tội họ ăn cắp, ngoại tình hay các hành vi không đứng đắn khác. Đôi khi, người bệnh hiểu sai những điều họ thấy và nghe.
3. Chăm sóc người bệnh Alzheimer’s như thế nào ?
3.1 Hướng dẫn chăm sóc
Hai người cùng mắc bệnh Alzheimer’s không bao giờ có những biểu hiện giống y hệt nhau. Kết quả là, không có hướng tiếp cận duy nhất cho việc chăm sóc người bệnh. Trách nhiệm chăm sóc của bạn cũng sẽ thay đổi theo diễn biến của bệnh.
Chăm sóc người lớn tuổi có thể được thực hiện theo nhiều cách, nhưng công việc này cũng đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao. Đừng cho rằng bạn phải làm việc đó một mình. Hãy giữ gìn sức khỏe của mình bằng cách nhờ gia đình và bạn bè giúp đỡ, và nhận sự hỗ trợ từ các nguồn lực trong cộng đồng.
Một số tài liệu chăm sóc bạn cần lưu ý sau :
- Trung tâm chăm sóc người lớn ban ngày
- Tắm
- Mặc quần áo
- Ăn uống
- Nhập viện
- Tiêu tiểu không tự chủ
- Tiết lộ với người khác về kết quả chẩn đoán bệnh Alzheimer’s
3.2 Giữ an toàn
An toàn tại nhà
Thay đổi những thứ cần thiết trong nhà để đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Thường xuyên kiểm tra lại các biện pháp bảo đảm an toàn vì nhiều vấn đề mới có thể phát sinh.
Lời khuyên:
- Sử dụng các thiết bị có chức năng tự động tắt.
- Lắp đặt van gas ẩn hay thiết bị ngắt điện trên bếp.
- Lắp đặt chốt cửa ở vị trí cao hay thấp ở cánh cửa bên ngoài.
Đi lang thang
Đi lang thang và đi lạc có thể khiến cho người bệnh gặp nguy hiểm. Người bệnh có thể có nguy cơ đi lang thang nếu họ đi dạo hay lái xe về trễ hơn bình thường; cố làm tiếp công việc mà trước đó họ đã làm xong, hay muốn “đi về nhà” ngay cả khi đang ở nhà.
Lời khuyên:
- Để người bệnh đi loanh quanh và tập thể dục nhằm giảm tình trạng bối rối, lo âu và bồn chồn.
- Bảo đảm đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của người bệnh (đi vệ sinh, ăn uống).
Lái xe
Lái xe có thể trở nên nguy hiểm khi người bệnh không nhớ là phải quan sát tín hiệu giao thông, quên cách xác định vị trí các nơi quen thuộc, hay lẫn lộn giữa chân thắng và chân ga. Người bệnh bị suy giảm trí nhớ có thể khăng khăng đòi lái xe cho bằng được và không chịu giao chìa khóa xe lại cho người khác.
Lời khuyên:
- Nhờ bác sĩ chỉ định “cấm lái xe” vào đơn thuốc của người bệnh.
- Để xe nằm ngoài tầm quan sát của người bệnh. Việc nhìn thấy xe có thể là gợi ý về thị giác khiến người bệnh muốn lái xe.
- Vô hiệu hóa chiếc xe bằng cách tháo bỏ đầu bộ dẫn điện hay ắc-quy.
An toàn khi đi du lịch
Đi du lịch với người bị suy giảm trí nhớ đòi hỏi lên kế hoạch kĩ lưỡng và linh động để bảo đảm an toàn, thoải mái và thích thú cho mọi người.
Lời khuyên:
- Chọn những điểm đến quen thuộc sao cho người bệnh càng ít phải thay đổi thói quen hàng ngày càng tốt.
- Đi du lịch vào khoảng thời gian trong ngày phù hợp nhất với người bệnh suy giảm trí nhớ.
- Thông báo cho đội ngũ nhân viên của hãng hàng không, sân bay, trạm xe buýt và khách sạn rằng bạn đi cùng với người bị suy giảm trí nhớ và có thể cần hỗ trợ thêm.
Chuẩn bị đối phó với thiên tai
Thiên tai, chẳng hạn như bão, động đất hay hỏa hoạn, ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của mọi người, và đặc biệt gây buồn bực cũng như bối rối cho người bị suy giảm trí nhớ.
Lời khuyên:
- Chọn trước nơi bạn sẽ đến nếu buộc phải sơ tán. Có thể chọn nhà người thân, bạn bè, khách sạn và chỗ ở tạm.
- Lưu số điện thoại của các thành viên gia đình cho trường hợp bạn cần chuyển địa điểm trong tình huống khẩn cấp hay phải sơ tán; giữ liên lạc thường xuyên với họ khi bạn di chuyển.
- Chuẩn bị bộ dụng cụ khẩn cấp, bao gồm các tài liệu quan trọng, thuốc dự phòng và vài món đồ ưa thích của người bệnh nhằm giúp họ bình tĩnh và không bị phân tâm bởi hoàn cảnh bên ngoài.
An toàn khi sử dụng thuốc
Việc uống thuốc và kiểm soát cách sử dụng thuốc sao cho an toàn là lo ngại lớn đối với nhiều người lớn tuổi. Với người mắc bệnh Alzheimer’s, bác sĩ có thể kê toa giúp giảm các triệu chứng bệnh, chống suy nhược hay mất ngủ, hoặc để điều trị các bệnh khác
Lời khuyên:
- Yêu cầu bác sĩ hay dược sĩ kiểm tra lại toàn bộ các loại thuốc để tránh phản ứng phụ do tương tác thuốc.
- Không nên tự ý thay đổi liều dùng khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Sử dụng hộp phân chia thuốc. Sẽ rất hữu ích nếu bạn lập một quyển lịch hay danh sách hàng ngày và đánh dấu vào đó mỗi khi người bệnh uống thuốc.
V.Medical channnel Theo Alzheimer’s Association