Adenovirus là gì? phòng và điều trị như thế nào?

Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em nhiễm Adenovirus tăng cao đột biến, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong, khiến nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng. Vậy bạn đã biết Adenovirus là gì? Adenovirus lây lan như thế nào? và cách phòng, điều trị bệnh ra sao?

1. Adenovirus là gì ?

Adenovirus là một nhóm virus phổ biến, thường lây nhiễm vào niêm mạc mắt, đường thở, phổi, ruột, đường tiết niệu và hệ thần kinh. Chúng có thể gây triệu chứng sốt, ho, viêm họng, tiêu chảy và đau mắt đỏ.

Adenovirus được phát hiện lần đầu vào năm 1953 từ mạch hạch hạnh nhân trong cơ thể con người. Virus này thuộc họ Adenoviridae, được chia thành 2 nhóm chính: nhóm gây bệnh ở chim (Avi Adenovirus) và nhóm gây bệnh ở động vật có vú (Mastadenovirus). Trong nhóm gây bệnh ở động vật có vú (gồm cả người), các chuyên gia đã phân lập được 47 loại virus Adeno.

Adenovirus gây bệnh ở người được chia thành 6 nhóm ký hiệu A – F dựa trên đặc điểm sinh lý, sinh hóa và sinh học phân tử. Virus này có thể tồn tại, gây bệnh trong thời gian dài ở ngoại cảnh, ở nhiệt độ phòng có thể tồn tại khoảng 30 ngày, 40°C có thể sống trong nhiều tháng, -200°C tồn tại được nhiều năm. Tuy nhiên, virus có thể bị tiêu diệt bởi tia cực tím và môi trường nước sôi 100°C. Virus bị mất độc lực nhanh và chết ở 56°C trong 3 – 5 phút.

Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.

Adenovirus có ít nhất 47 tuýp huyết thanh:

  • Tuýp 1-5, 7, 14 và 21 có khả năng gây bệnh viêm họng hạch và viêm kết mạc;
  • Tuýp 40 và 41 gây tiêu chảy cấp ở trẻ em;
  • Tuýp 5, 8, 19 thường là nguyên nhân gây bệnh nặng.

2. Virus Adeno có nguy hiểm không?

Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm với những triệu chứng rất thông thường.

Theo ghi nhận, virus Adeno đã gây ra các vụ dịch sốt viêm họng, viêm kết mạc tại nhiều nơi trên thế giới. Dịch viêm kết mạc xuất huyết do virus cũng đã được phát hiện lần đầu ở Ghana năm 1969 và Indonesia năm 1970. Sau đó, các vụ dịch dần xuất hiện ở vùng nhiệt đới Châu Á, Châu Phi, Trung và Nam Mỹ, vùng Caribe, các đảo Thái Bình Dương, một số nơi của Florida và Mexico. Ngoài ra, các vụ dịch nhỏ còn được phát hiện tại châu Âu và những người tị nạn Đông Nam Á ở Hoa Kỳ.

Tại Việt Nam, virus Adeno lưu hành rộng rãi tại nhiều nơi trên cả nước và tản phát trong suốt năm, đặc biệt là những tháng xuân – hè nên dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus khác, hoặc với bệnh sốt dengue vào đầu mùa hè.

3. Adenovirus gây ra bệnh gì ?

3.1 Viêm đường hô hấp

  • Viêm họng cấp: thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các triệu chứng sốt, đau đầu, sưng họng, ho, chảy mũi,… Tình trạng có thể kéo dài từ 7 đến 14 ngày và lây lan nhanh thành dịch. Nếu chỉ chẩn đoán thông qua triệu chứng thì rất khó để phân biệt với các bệnh đường hô hấp do virus khác.
  • Viêm đường hô hấp cấp: có biểu hiện đau, sưng họng, sưng đau hạch cổ, sốt lên đến 39oC, ho. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, diễn biến cấp tính và thường khỏi sau 3-4 ngày. Các chủng virus Adeno gây bệnh là 4 và 7.
  • Viêm phổi: do Adenovirus chiếm 10% các trường hợp viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện đột ngột với triệu chứng sốt cao trên 39oC, chảy nước mũi đi kèm các dấu hiệu tổn thương ở phổi. Những tổn thương này có thể lan rộng, để lại di chứng và nghiêm trọng hơn là tử vong. Viêm phổi do virus Adeno có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm và tử vong với tỷ lệ 8-10% khi mắc bệnh.

3.2 Viêm kết mạc

Adenovirus từ lâu được biết đến là nguyên nhân hàng đầu gây viêm kết mạc mắt. Tỷ lệ viêm nhiễm liên gia đình được xác định trong khoảng 10-50%.

Có 4 dạng lâm sàng chính của viêm kết mạc do Adenovirus gồm:

  • Viêm kết giác mạc dịch
  • Viêm kết mạc thanh quản có sốt
  • Viêm kết mạc cấp có hột không đặc hiệu
  • Viêm kết giác mạc mạn tính

3.2 Viêm dạ dày ruột cấp tính

Adenovirus còn là một trong những tác nhân thường gặp gây bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính. Viêm dạ dày ruột do Adenovirus chiếm thứ hai sau Rotavirus gây bệnh tiêu chảy cấpở nhóm đối tượng trẻ nhỏ. Bệnh tiêu chảy cấp do Adenovirus thường do tuýp 40 và 41.

3.4 Các bệnh khác

Adenovirus còn là nguyên nhân gây bệnh viêm bàng quang chảy máu ở trẻ em, nhất là những bé trai. Ở niệu đạo, tử cung cũng xuất hiện loại virus này và được xem là bệnh lây truyền qua đường tình dục.

4. Adenovirus lây truyền qua đường nào ?

  • Lây truyền qua đường giọt bắn
  • Qua đường hô hấp giữa người với người
  • Qua niêm mạc khi bơi lội, hoặc nguồn nước dùng cho sinh hoạt bị ô nhiễm
  • Sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh

Thời gian ủ bệnh thường từ 8-12 ngày. Adenovirus có thể gây bệnh với mợi đối tượng và mọi lứa tuổi. Ở trẻ em hay gặp từ lứa tuổi 6 tháng đến 5 tuổi.

5. Các phương pháp chẩn đoán Adenovirus

Việc xét nghiệm để phát hiện Adenovirus có thể được thực hiện đối với những người có dấu hiệu bị bệnh bằng cách phát hiện kháng nguyên virus hoặc phát hiện sự tồn tại của virus trong mẫu bệnh phẩm. Các phương pháp phổ biến gồm:

  • Test nhanh: Mẫu bệnh phẩm được sử dụng là phân của người bệnh, có thể dùng kính hiển vi hoặc kỹ thuật ELISA để tìm ra sự tồn tại của virus. Thời gian để cho ra kết quả sau khoảng 60 phút từ khi lấy mẫu.
  • Real Time PCR: Mẫu bệnh phẩm được dùng là dịch tỵ hầu và thời gian trả kết quả là sau khoảng từ 3 tới 4 ngày.

6. Điều trị Adenovirus như thế nào ?

HHầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều gây ra các triệu chứng nhẹ và không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu cần điều trị, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giảm các triệu chứng.

Thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích cho nhiễm trùng adenovirus vì những loại thuốc này chỉ tiêu diệt vi khuẩn. Người bệnh thường tự hết bệnh trong vòng vài ngày. Một số bệnh nhiễm trùng, như đau mắt đỏ hoặc viêm phổi, có thể kéo dài thời gian điều trị tới một tuần hoặc hơn. Đối với những người bệnh có hệ thống miễn dịch kém có thể cần được điều trị tại bệnh viện để giúp chúng hồi phục.

Bạn có thể làm một số điều để giúp cơ thể cảm thấy tốt hơn:

  • Uống nhiều chất lỏng. Khi người bệnh bị mất nước do sốt, nôn mửa và tiêu chảy cần phải thực hiện bù nước điện giải. Nước hoặc nước trái cây 100% có thể là những lựa chọn tốt nhất để giữ nước cho cơ thể.
  • Thông tắc nghẽn.Sử dụng nước muối sinh lý để rửa thông mũi họng cũng như làm giảm bớt lượng dịch ở mũi, họng.
  • Sử dụng máy tạo ẩm phun sương. Hơi ẩm sẽ làm dịu sự tắc nghẽn và giúp bạn thở dễ dàng hơn.
  • Hạ sốt. Bạn có thể tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Motrin) để giảm đau nhức và sốt.

7. Phòng ngừa adenovirus như thế nào ?

7.1 Đối với ngừa chưa mắc bệnh

  • Thường xuyên rửa tay kỹ thuật bằng xà phòng.
  • Hạn chế dùng tay chạm vào mắt, mũi hoặc miệng, nhất là khi chưa rửa sạch.
  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, đeo khẩu trang tại những nơi có đông người hoặc có tiếp xúc gần.
  • Giữ vệ sinh môi trường sống xung quanh, bảo vệ nguồn nước, không dùng nước bị ô nhiễm để sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt.
  • Không dùng chung các loại đồ dùng như: cốc nước, khăn mặt,… với những người khác.
  • Ăn đủ chất, thực phẩm rõ nguồn gốc, chế biến kỹ.
  • Định kỳ cần vệ sinh dụng cụ thường dùng trong gia đình, đồ chơi, đồ dùng của trẻ nhỏ.
  • Tại các phòng khám, cơ sở y tế, cần thực hiện nghiêm quy định về khử khuẩn, vệ sinh y tế theo quy định.

7.2 Đối với những người đã nhiễm bệnh:

  • Tránh tiếp xúc với người khác, nên ở trong nhà.
  • Không ôm hôn, tiếp xúc thân mật với người khác.
  • Dùng riêng dụng cụ và giặt, rửa sạch sẽ. 
  • Thường xuyên súc miệng họng, rửa tay chân.
  • Đồ dùng của người bệnh cần được sát khuẩn thường xuyên và tránh để người khỏe mạnh tiếp xúc.

VmedicalChannel

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *